Công cụ điều chỉnh lãi suất của Fed từ sau khủng hoảng tài chính đến nay

Về cơ bản, sau khủng hoảng tài chính 2008 cho đến quyết định tăng lãi suất đầu tiên sau 6 năm giữ mức lãi suất ở gần 0% trong năm 2015, Fed sử dụng 3 công cụ chính để thi hành chính sách điều chỉnh lãi suất.
1.1.2.1           Nghiệp vụ thị trường mở:
Fed mua vào (bán ra) trái phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp nhằm tác động vào cơ số tiền, từ đó tác động đến lãi suất trên thị trường theo ba cơ chế. Thứ nhất, Fed mua vào trái phiếu trên thị trường thứ cấp sẽ ngay lập tức làm tăng dự trữ của các NHTM phát hành trái phiếu, dẫn đến làm tăng lượng tiền cung ứng, tăng khả năng cho vay và cung cấp tín dụng, giảm lãi suất cho vay thương mại. Thứ hai, khi vốn khả dụng của NHTM mại tăng lên do tác động của nghiệp vụ thị trường mở, mức cung vốn trên thị trường liên ngân hàng tăng. Do đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm. Thứ ba, nghiệp vụ thị trường mở ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trái phiếu kho bạc. Khi Fed bán ra trái phiếu, làm cung trái phiếu tăng, dẫn đến giá trái phiếu giảm, lãi suất tăng (mức sinh lời tăng). Khi đó để tránh tình trạng phi trung gian hóa (tình trạng người gửi tiền rút tiền từ NHTM để mua trái phiếu), NHTM phải tăng lãi suất.[1]
Nghiệp vụ thị trường mở được coi là công cụ cơ bản và hữu hiệu nhất trong số các công cụ chính sách tiền tệ của Fed do không có độ trễ chính sách[2] và tác động trực tiếp đến thanh khoản trên thị trường. Trong giai đoạn 2009-2014, khi Fed thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, đây là công cụ được sử dụng chủ yếu.
Tuy nhiên, thông thường Fed không sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở theo định nghĩa đơn thuần là mua và bán trực tiếp trái phiếu trên thị trường thứ cấp, thay vào đó hợp đồng mua lại (repo) được sử dụng rộng rãi hơn cả. Hợp đồng mua lại là hợp đồng mua bán chứng khoán gồm hai bước: mua và mua lại chứng khoán có giá và ngày thực hiện mua lại xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Chênh lệch giá giữa hai bước trong giao dịch xác định lãi suất cho vay. Hợp đồng repo có tính chất pháp lý tương đương một thỏa thuận mua bán chứng khoán, và có tính kinh tế tương đương một khoản vay thế chấp. Đối với người bán chứng khoán (nhận tiền), giao dịch được gọi là repo. Đối với người mua chứng khoán (cho vay tiền), giao dịch được gọi là repo đảo ngược.[3]
Cụ thể, khi Fed muốn nới rộng thanh khoản trên thị trường, Fed tham gia vào các hợp đồng repo; ngược lại khi fed muốn thắt chặt thanh khoản trên thị trường, Fed thực hiện hợp đồng repo đảo ngược. Đặc biệt sau gói chính sách nới lỏng tiền tệ và nhằm mục tiêu làm tăng lãi suất, Fed sử dụng chủ yếu hợp đồng repo đảo ngược. [4]Fed bán chứng khoán cho các nhà đầu tư, và đồng ý mua lại trong tương lai. Điều đó cũng có nghĩa là, Fed vay tiền từ các nhà đầu tư và dùng số chứng khoán đó làm tài sản đảm bảo. Chênh lệch giá mua đi và mua lại chứng khoán xác định lãi suất cho vay sàn trên thị trường do nhà đầu tư sẽ không cho NHTM hoặc một đối tác khác vay với lãi suất thấp hơn lãi suất mà Fed trả cho họ do Fed là đối tác có độ tín nhiệm cao nhất, được chính phủ hậu thuẫn.
1.1.2.2.        Yêu cầu dự trữ bắt buộc
Fed quy định một tỷ lệ dữ trữ bắt buộc tại các NHTM mà không được sử dụng để cho vay hoặc bất kỳ một hoạt động nào khác. Như vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến thanh khoản có sẵn trên thị trường vốn liên bang (thị trường vốn liên ngân hàng).[5] Công cụ này hiếm khi được sử dụng do không có sự thay đổi nào kể từ năm 1992, tuy nhiên nó đóng vai trò quan trọng khi mà Fed thực hiện lệnh bán trên thị trường mở, khối lượng tiền trong thị trường trở nên khan hiếm trong khi NHTM vẫn phải thực hiện yêu cầu dự trữ bắt buộc. Do đó, tác động làm tăng lãi suất liên ngân hàng và đẩy chi phí đi vay của toàn nền kinh tế.
1.1.2.3.        Lãi suất dự trữ dư thừa (Interest rate on excess reserves)
Lãi suất dự trữ dư thừa hay còn được gọi tắt là lãi suất IOER là khoản lãi mà Fed trả cho các ngân hàng trên số tiền dôi ra so với yêu cầu. Trước khủng hoảng tài chính 2008, Fed không trả lãi suất dư thừa. Tuy nhiên trong năm 2008, Fed bắt đầu trả lãi suất dư thừa ở mức 0,25%. Khi đó, NHTM sẽ không có thiên hướng cho vay ở mức lãi suất dưới mức lãi suất IOER vì họ có thể gửi tiền tại Fed và hưởng mức lãi suất cao hơn cho phần gửi thặng dư. Do đó, lãi suất IOER tăng làm tăng lãi suất liên ngân hàng.[6]




[1] Ths Phan Anh Tuấn, chương 4, giáo trình lý thuyết tài chính tiền tệ, tr 100
[2] Ths Phan Anh Tuấn, chương 4, giáo trình lý thuyết tài chính tiền tệ, tr 99
[3] Tobias Adrian et al., “Repo and Securities Lending,” Federal Reserve Bank of New York, Staff Report no. 529, December 2011

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung?

Vì sao ngành đường sắt luôn cần trợ cấp từ Chính phủ?

Vietjet sẽ trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch New York?